Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Người Việt ở Italy nêu lý do 'vỡ trận'

Đó là hai ngày sau khi Italy phát hiện những trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên trong cộng đồng và có một ca tử vong.

"Quyết định này cho thấy chính phủ Italy đã phản ứng nhanh", chị Ngọc Huyền , người sống ở thủ đô Rome gần 10 năm nay, từng làm việc cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc và hiện điều hành một công ty du lịch, chia sẻ với VnExpress .

Vào ngày 30/1, khi ghi nhận hai trường hợp nhiễm nCoV ngoại nhập đầu tiên là du khách người Trung Quốc, Thủ tướng Giuseppe Conte đã nhanh chóng ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đồng thời cách ly 56 công dân trở về từ Vũ Hán.

Hơn 20 ngày sau, Italy mới ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên lây lan trong cộng đồng là một người đàn ông 38 tuổi ở vùng Lombardy dương tính với nCoV dù không đến Trung Quốc. 10 thị trấn ở miền bắc Italy được lệnh đóng cửa trường học, quán bar và địa điểm công cộng. Hơn 50.000 dân cư được yêu cầu ở trong nhà. Các hoạt động ngoài trời như lễ hội hóa trang, cầu nguyện ở nhà thờ và các sự kiện thể thao bị cấm.

"Lúc đó, học sinh đã nghỉ xuân một tuần nên trường học cũng đóng cửa. Sáng 23/2, con tôi ra sân bay định bay đi Đức tham quan thì bị thông báo chính phủ cấm các trường đưa học sinh ra nước ngoài", chị Huyền kể.

Trong chưa đầy ba tuần kể từ đó, số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng chóng mặt từ hàng trăm lên hàng nghìn. Đến 8/3, khi Italy ghi nhận gần 6.000 ca nhiễm nCoV, vùng Lombardy và 14 tỉnh thuộc 4 vùng phía bắc khác bị phong tỏa. Hôm sau, số người nhiễm vượt 9.000, Italy trở thành nước đầu tiên ở châu Âu ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc để ứng phó với khủng hoảng Covid-19.

"Trong những ngày này, Italy liên tục được lấy ra làm minh chứng cho việc người dân châu Âu đang phải trả giá vì thói chủ quan, coi thường dịch bệnh. Nhưng thực tế cho thấy từ lúc Italy phát hiện ca đầu tiên đến lúc vượt tầm kiểm soát chỉ cách nhau vài ngày", chị Huyền nói.

Người dân ở Milan, Italy đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm. Ảnh: AP.

Người dân ở Milan, Italy đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm. Ảnh: AP .

Trung Kiên , một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Milan, cũng cho rằng lý do Italy "vỡ trận" không phải lỗi của chính phủ nước này, bởi họ đã khá quyết liệt khi phong tỏa những vùng phát hiện dịch đầu tiên.

"Ban lệnh phong tỏa không phải là việc dễ dàng với một quốc gia phương Tây như Italy", Kiên nói. "Tôi cho rằng ý thức người dân là một yếu tố quan trọng. Khi có lệnh phong tỏa phía bắc, nhiều người đã chỉ trích chính phủ và hàng nghìn người vội vã rời đi trong đêm".

Qua tìm hiểu trên báo chí và quan sát thực tế ở Italy, Kiên nhận thấy người dân đang chia làm 2 thái cực: một là hoảng loạn, bỏ trốn khỏi vùng cách ly bằng bất cứ cách nào, hai là bình tĩnh đối mặt, nghe theo khuyến cáo của chính phủ, mua vừa đủ thực phẩm, hạn chế ra đường tụ họp nơi đông người. Nhóm trước là tầng lớp trẻ và trung niên, nhóm sau đa phần là người già trên 60 tuổi.

"Khi dịch bùng phát, thói quen tập trung ở quán bar buổi chiều của nhiều người trẻ không thay đổi. Tại nhà tôi, mọi người vẫn ăn uống chung, tụ tập uống cafe, tám chuyện rất rôm rả, dù tôi có ý nhắc nhở", Kiên kể. "Số người đeo khẩu trang cũng rất hiếm, từ cảnh sát đến nhân viên soát vé xe, thu ngân, trừ lái xe buýt có đeo khẩu trang loại chuyên dụng".

Về vấn đề này, chị Huyền cho hay chính phủ Italy khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang khi có bệnh, để dành khẩu trang cho những người thực sự cần chúng như nhân viên y tế. "Ngoài ra, họ lâu nay không có thói quen đeo khẩu trang như các nước châu Á và cũng không có đủ nguồn cung khẩu trang", chị nói thêm.

Stella Vũ , ở thành phố Domodossola, vùng Piedmont, phía bắc Italy, đồng tình với hai ý kiến trên.

"Tôi nhận thấy nhiều người trẻ Italy cho rằng đây Covid-19 chỉ là cúm và số người chết vì cúm mùa hàng năm rất cao nên dịch bệnh này là chuyện bình thường", cô gái 28 tuổi, đang kinh doanh một xưởng rượu vang cùng chồng bản địa, nói. "Ở nơi tôi sống, mọi người bảo nhau tăng sức đề kháng bằng cách uống vitamin C và rửa tay bằng xà phòng".

Người dân xếp hàng cách nhau ít nhất 1 mét tại một siêu thị ở Rome sau khi có lệnh phong toả hôm 11/3. Ảnh: Trần Ngọc Huyền

Người dân xếp hàng cách nhau ít nhất 1 mét tại một siêu thị ở Rome sau khi có lệnh phong tỏa hôm 11/3. Ảnh: Trần Ngọc Huyền

Italy hiện là vùng dịch thứ hai toàn cầu với hơn 17.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 1.200 người đã chết, với tỷ lệ tử vong hơn 7%, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 3,4%, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại tâm dịch Lombardy, hơn 80% số giường bệnh được dành cho bệnh nhân nhiễm nCoV, khoa chăm sóc đặc biệt luôn rơi vào tình trạng quá tải, nhiều ca phẫu thuật chưa cần thiết bị hủy để nhường chỗ cho người nhiễm nCoV.

"Các quan chức y tế Italy cho rằng trước ca đầu tiên đã có nhiều ca khác bị nhiễm virus mà không được phát hiện. Bệnh viện thị trấn Codogno, Lombardy, ghi nhận rất nhiều ca viêm phổi ngay trước đó", chị Huyền cho hay, dẫn phát ngôn của trưởng khoa cấp cứu Stefano Paglia. "Cũng đúng vào mùa cúm và viêm phổi hàng năm nên có thể nhiều người đã bị Covid-19 mà không biết".

Theo chị Huyền, số ca nhiễm ở Italy cao do đây là nước châu Âu xét nghiệm nCoV nhiều nhất và hoàn toàn miễn phí cho người dân. Tính đến ngày 7/3, Italy đã tiến hành hơn 42.000 xét nghiệm nCoV.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nước này cũng cao do dân số già. Italy có dân số già nhất châu Âu. Theo Viện Y tế Quốc gia, độ tuổi trung bình của những người tử vong vì nCoV ở Italy là 81, phần lớn đều có bệnh lý nền.

"Tôi từng hai lần đưa con vào bệnh viện ở Rome cấp cứu, được xét nghiệm, khám, điều trị, phục vụ ăn uống suốt nhiều ngày nhưng đều không mất một đồng nào", chị Huyền nói. "Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy hiếm nước nào chăm sóc y tế nhân đạo và miễn phí hoặc cực ít chi phí như Italy".

Chị Stella cho biết toàn dân Italy đều có bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, họ sẽ phải chờ đợi khá lâu nếu bệnh tình không khẩn cấp. Trong bối cảnh bệnh viện quá tải vì Covid-19, các ca dương tính với nCoV ở thể nhẹ được tư vấn điều trị tại nhà qua đường dây nóng, nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế và tránh biên dịch lây nhiễm chéo. Chỉ các ca khẩn cấp mới được nhập viện.

"Khi có thêm lệnh phong tỏa, người dân nhận ra sự việc nghiêm trọng hơn họ nghĩ và cũng nghiêm túc hơn trong việc phòng dịch", Stella nói.

Những thông điệp kêu gọi đoàn kết và động viên người dân được dán ở bảng hiệu của Toà thị chính thành phố Domodossola hôm nay. Ảnh: Stella Vũ

Những thông điệp kêu gọi đoàn kết và động viên người dân được dán ở bảng hiệu của tòa thị chính thành phố Domodossola hôm 10/3. Ảnh: Stella Vũ

Sau lệnh phong tỏa, đường phố ở chỗ Stella sống trở nên vắng vẻ, các siêu thị vẫn mở cửa nhưng khách xếp hàng cách nhau ít nhất một mét. Nhân viên siêu thị đeo găng tay và khẩu trang, ai không có khẩu trang thì quàng khăn che mũi, còn người dân vẫn bình tĩnh, không chen lấn hay tích trữ thực phẩm thái quá.

"Theo tôi quan sát, lượng người đeo khẩu trang tăng lên nhiều, cũng không có sự kỳ thị với người châu Á đeo khẩu trang", Kiên cho hay. "Án phạt 3 tháng tù và 206 euro đối với những người vi phạm lệnh cấm ra khỏi vùng phong tỏa dường như đang phát huy hiệu quả. Trên mạng xã hội, mọi người chỉ trích cũng như vận động những người đã trốn khỏi vùng dịch tự cách ly hoặc quay về để tránh lây truyền mầm bệnh".

Kiên đã đi mua đủ số thực phẩm cho một tuần, hạn chế ra ngoài trừ khi cần thiết, luôn rửa tay kỹ ít nhất 30 giây, súc miệng 2 lần/ngày với dung dịch sát khuẩn.

Chị Huyền cho rằng ngoài những biện pháp trên, giữ tinh thần lạc quan và nhân ái cũng có thể làm tăng sức đề kháng của cơ thể. "Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt. Tôi mong Italy cũng vượt qua cơn gian khó này", chị nói.

Anh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét